NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM.

Đạo phật khất sĩ / Lịch sử - Tổ chức / KHẤT SĨ biến chất

Tâm Nguyên , Thứ 7 22-03-2025

Sự biến chất và biến tướng của Khất Sĩ

KS. Minh Bình

Khất Sĩ ngày nay, rất đáng tiếc, đã chẳng còn gì là khất sĩ, đã trái ngược hoàn toàn với những lời dạy của ngài Minh Đăng Quang trong bộ Chơn Lý! Lại càng đáng tiếc hơn nữa, khi mấy ngàn “chư tôn đức” khất sĩ ra sức bảo thủ chỗ sai trái của mình, đoàn kết phá giới phá luật, một lực lượng đông đảo!

Nhớ năm 2012 đến Ngọc Viên tìm hiểu đạo lý và đạo hạnh của người ở đó, để viết thành một bài Trung Giang Ký Sự, đã ghi nhận được lời nói này của hòa thượng Giác Giới: “Nếu làm vậy thì còn có mình tôi à?”. Câu nói này đã đi vào lịch sử, đã chính thức thông báo với nhân loại và chư thiên là Chúng tôi phá giới! (Làm vậy: Nghiêm giữ giới luật như trưởng lão Giác Chánh và như lời cư sĩ Trí Minh đã nhắc nhở. Thế là đã tự thú rồi nhé!) Vốn sự tu thì đâu có đòi thiên hạ phải tu rồi mình mới tu. Tại sao lại kể “Còn có mình tôi à?”, một sự rắc rối của tâm lý? Chính mình ham có nhiều đệ tử, như người đời ham con, lại còn nói gì! Khi bỏ giới thì lấy sức nào nhập định, nên khóa tu nào cũng đi rao câu này: “Hòa thượng Hộ Tông nói là thời nay không có ai nhập sơ thiền nổi.”. Rắc rối thật!

Còn gì là khất sĩ, khi tịnh xá rất to rất đẹp, của cải rất nhiều, đất đai rộng lớn, ô-tô, máy lạnh, ti-vi, điện thoại thông minh, và tiền? Còn khất sĩ gì đây, khi danh hiệu to tát, kèm theo chức quyền, cung cách kẻ cả, với nhiều “nghi thức”, và gọi là “chư tôn đức”, đón đưa? Còn không chất khất sĩ, khi chỉ lo học chữ nghĩa và cúng kiếng, lo làm hành chánh giáo hội, lo làm từ thiện và kinh doanh, lo toàn việc tục, lấy đó làm đạo nghiệp?

Đạo nghiệp ư? – Phải nói là tạo nghiệp mới phải! – Tạo nghiệp thế nào? – Bỏ đạo theo đời, nhân danh tôn giáo Bắc tông và Nam tông gì đó, người ta sao thì mình vậy, mà thành tình trạng Khất sĩ Biến chất và Biến tướng này. – Thế sao không theo Tổ của mình mà lại theo người ta? – Trả lời đi!

Như cuối bài Khất Sĩ Gì Đây đã viết:

“Đến tình trạng này, trước khi không còn cứu vãn được, thì thấy ra hai việc thích hợp để làm, mà cần phải chọn một trong hai:

Một là: Làm đúng như lời dạy của ngài Minh Đăng Quang, từ tông chỉ đến pháp học, pháp hành. Bao nhiêu cái sai đạo Khất sĩ trong mấy mươi năm qua phải sửa hết, không thể nói là do thời cuộc.

Hai là: Nếu thấy khó trở lại được như xưa quá thì nên chọn tên khác (ví dụ: Trung Đạo), và trả lại Minh Đăng Quang những gì của Minh Đăng Quang. Vậy mình cứ là mình, chẳng phiền gì. Thà là như thế mà vẹn cả đôi bên.

Không chọn một trong hai cách đó, lại tìm cách chơi xấu, thì sẽ có kết quả không tốt đấy. Dám đem đạo của Tổ ra mặc cả sao?”

Đem đạo của Phật của Tổ ra mặc cả, lấy Minh Đăng Quang làm bảng hiệu, phô trương thanh thế, hô hào kêu gọi, đua chen tín đồ bổn đạo, ra sức tạo gây sự nghiệp lớn, giống như buôn bán làm ăn, bán tượng bán kinh, bán tượng nhỏ tượng lớn trăm ngàn kiểu, bán kinh từng quyển và bán kinh từng thời giảng, tạo nghiệp lâu ngày mà khấm khá, thế gian không biết nên mới nể. Nếu người biết đạo lý tất phải chê bai! Bởi không chê bai thì khác gì “kiến nghĩa bất vi”, coi sao được? Đã nói thợ tu chưa hẳn là xấu nhưng thợ tu không phải là khất sĩ, còn cãi gì nữa? Mà “chưa hẳn là xấu” là nói gượng cho dễ nghe một chút đấy! Trước năm 1960 thì mấy ngàn Tăng, Ni này sẽ bị gác y hết!

Có tư cách gì để nhận là con cháu của Minh Đăng Quang, mấy ngàn vị? Thờ Minh Đăng Quang làm chi nữa, mấy trăm tịnh xá?

 

(Chứng minh lỗi gác y:

Giữ tiền, gác y;

Ăn chiều, gác y;

Không đi khất thực, mà tích trữ vật thực và nấu ăn ở tịnh xá, gác y;

Đi học chữ nghĩa bằng cấp, quên hành đạo, gác y;

Vận động tiền bạc, gác y;

Đứng ra làm từ thiện, gác y;

Buôn bán, gác y;

Sản xuất bánh kẹo, gác y;

Sản xuất nông phẩm, gác y;

Sản xuất nhu yếu phẩm, nước uống, tương, chao… gác y;

Sản xuất vật phẩm, nón len, y phục tu sĩ, vật dụng tu sĩ… gác y;

Xây cất to lớn, mê hình thức như kẻ thế tục, gác y;

Xem bói chuyện hên xui, gác y;

Xem phong thủy tìm thế tốt xấu, gác y;

Cúng sao giải hạn như Tiên đạo, gác y;

Làm chính trị cách mạng, gác y;

Làm quyền làm thế trong Tăng đoàn, gác y;

Đi du lịch tham quan đây đó, gác y;

Đi siêu thị mua sắm, như kẻ thế tục, gác y;

Cắt dương vật, hoại thân, gác y;

Đốt ngón tay, gác y;

Xăm chân mày, gác y;

Đốt liều hương trên đầu cho giống Đại thừa, gác y;

Dùng nước hoa, sữa tắm, gác y;

Kẻ mắt cho đậm đà hơn, như vài Ni cô ở Mỹ, gác y;

Ni cô không cạo chân mày, gác y;

Ni cô không tuân thủ Bát kính pháp, gác y;

Nhận con nuôi, gác y;

Lập cơ sở nuôi trẻ mồ côi, gác y;

Cất cốc sang trọng, gác y;

Sắm ô-tô, xe máy, gác y;

Lái ô-tô, xe máy, gác y;

Xài điện thoại di động, gác y;

Nhận người xuất gia làm đệ tử riêng, xưng “sư phụ”, gác y;

Lập tịnh xá, tịnh thất riêng của mình, gác y;

V.v

Gác y vì chưa đạt hạnh khất sĩ. Chưa đạt hạnh khất sĩ thì cụ thể là gì? Đó là tỳ-kheo chưa đạt, sa-di chưa đạt, nên phải tạm thời mất thân phận tỳ-kheo, sa-di. Đến khi Tự tứ kế tiếp, Tăng đoàn xét xem đã sửa được chưa thì sẽ cho người đó khôi phục lại như cũ. Vậy lỗi gác y nhẹ hơn lỗi ba-la-di và Tăng tàn, mà nặng hơn các lỗi 30 giới, 90 giới.

Nhưng nếu cả Tăng đoàn đều bị lỗi này thì sao? Sẽ huề cả làng à? Thì hai câu cuối bài viết đã trả lời rồi.

Đây là quy định riêng của Luật Khất Sĩ, khác với các Luật tạng khác. Câu hỏi đặt ra là: Luật Khất Sĩ căn cứ vào đâu để lập những quy định này? Như đã nói: Giới là phạm vi cá nhân, Luật là phạm vi đoàn thể. Trong Luật Khất Sĩ, có những giới đã được nâng lên thành luật. Ví dụ giới không giữ tiền đã được nâng lên thành luật, áp dụng cho cả Tăng đoàn, thành một điểm đặc sắc của Giáo pháp Khất sĩ. Đây là sự gia giảm cho thích hợp với tông chỉ Khất sĩ, không có bị lỗi đạo lý. Vấn đề Gác y sẽ bàn kỹ hơn trong một bài viết khác.)

------------------------------------------------------------------